Đến hẹn lại lên, những lễ hội truyền thống nổi tiếng dịp đầu năm lại thu hút hàng nghìn du khách thập phương.
Hội gò Đống Đa (Hà Nội)
Hội gò Đóng Đa diễn ra vào ngày mùng 5 Tết Âm lịch. Vào ngày này hàng năm, người dân lại lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại khu gò Đống Đa thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đội rước lễ rước kiệu vua Quang Trung mừng chiến thắng |
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là chiến thắng oanh liệt của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu - 1789.
Ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, đặc biệt tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
Gò Đống Đa hiện nay nằm trên phố Tây Sơn, tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội. Xưa nơi đây thuộc đất của làng Khương Thượng, thuộc huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Cả khu vực gò Đống Đa này là một khu chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
Đây được xem là lễ hội có lượng du khách đông nhất và kéo dài nhất của nước ta. Lễ hội chùa Hương bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch, kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.
Khai hội chùa hương năm 2014
Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp xuân về, là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…
Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nhiều khách tham quan lựa chọn đi thuyền trên dòng suối Yến, động Hương Tích,... Ngoài ra, bạn có thể đi cáp treo để ngắm phong cảnh tuyệt đẹp từ trên cao xuống.
Các địa điểm tham quan ở chùa Hương rất phong phú như: Bến Đục, bến Thiên Trù, suối Yến, chùa Thiên Trù, động Hương Tích. Sông nước, núi non, hang động kết hợp tạo thành bức tranh thiên nhiên mỹ miều thu hút nhiều khách du lịch đến với nơi đây.
Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội)
Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày mồng 6 đến 16 tháng giêng. Hội được tổ chức nhân ngày kỷ niệm Thục Phán nhập cung.
Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm.
Lễ hội Cổ Loa
Lễ hội có sự tham gia của 8 làng Cổ Loa, Mạch Tràng, Cầu Cả, Săn Giả, Thư Cưu, Đài Bi, Văn Thượng, Ngoại Sát (nay thuộc 3 xã Cổ Loa, Uy Nỗ và Xuân Canh). Ngoài ra còn có đoàn đại biểu dân ba xóm của làng Quậy (xã Liên Hà) đến lễ vua Thục.
Hội mở đầu bằng đám rước lớn của 12 xóm làng Cổ Loa, rước bài vị bằng Long đình, cùng với hương án và kiệu của các xóm từ đền Thượng xuống đình Ngự Triều Di quy. Đám rước đi vòng qua giếng Ngọc, cửa am Mỵ Châu, kéo dài bên bức tường thành cổ.
Hội có nhiều trò vui như đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, múa võ, đấu cờ người, chọi gà. Buổi tối có hát tuồng, ca trù, hát chèo, những phong bánh chè lam mang hương vị quê hương thêm ngọt ngào trong lòng khách dự hội.
Lễ hội đền Gióng (Hà Nội)
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lễ hội Đền Gióng
Lễ khai hội Gióng diễn ra tại Khu di tích đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, Tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)
Lễ hội Yên Tử là lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch.
Lê hội Yên tử
Tại lễ hội sẽ có nhiều hoạt động như: Nghi lễ truyền thống dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, các tiết mục nghệ thuật, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử,… đều diễn ra tấp nập.
Du lịch lễ hội Yên Tử, bạn có thể đi cáp treo dài trên 1,2km để ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng từ trên cao hoặc đi bộ hơn 6km với hơn nghìn bậc thang để cảm giác chinh phục thiên nhiên hùng vĩ. Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc.
Lễ hội Lim (Bắc Ninh)
Chính hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Hội Lim thu hút rất đông du khách
Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Trong ngày này, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu, nghi thức hát quan họ thờ thần. Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bờ, dưới bến. Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...
Đến với hội Lim, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của vùng Kinh Bắc xưa.
Hội chợ Viềng (Nam Định)
Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, những người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau.
Phiên chợ 'mua may bán rủi'
Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông.
Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống như gạo, thịt, quần áo, giày dép….
Du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm vật dụng linh tinh khác.
Ngày nay, chợ Viềng đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”. Hàng năm, cứ đến khoảng mùng 7 tháng Giêng, du khách từ 3 miền lại nườm nượp đổ về đây.
Lễ hội đền Trần (Nam Định)
Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Lễ Khai ấn Đền Trần thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm
Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
(Sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét