Mặc dù lái xe dưới trời mưa trên xe điện được cho là an toàn, các nhà sản xuất không khuyến khích điều này, đặc biệt là khi trời mưa nặng hạt.
Với những người mới sử dụng xe điện, một trong những mối lo lớn nhất là chúng có sử dụng được khi trời mưa hay không.
Nhắc đến “điện” và “nước mưa”, nhiều người có thể nghĩ đến nguy cơ bị điện giật khi sử dụng xe điện dưới trời mưa. Nhiều loại xe điện được quảng bá là có thiết kế chống chịu được mưa, thậm chí là nước ngập quanh động cơ.
Nước là khắc tinh của bất cứ loại xe nào
Mặc dù lái xe dưới trời mưa trên xe điện được cho là an toàn, các nhà sản xuất không khuyến khích điều này, đặc biệt là khi trời mưa nặng hạt.
Vinfast thử nghiệm ngâm nước xe điện Klara trong 30 phút ở độ sâu 50 cm.Lái xe với các vũng nước ngập sâu, hoặc đường phố bị ngập có thể phá hủy nhiều bộ phận của hệ thống điện cũng như pin của xe. Những bộ phận điện của xe, như pin không nên tiếp xúc với nước.
Do đó, các nhà sản xuất luôn khuyến cáo người dùng tránh các nơi ẩm ướt bất cứ khi nào có thể. Hơi nước có thể là tác nhân phá hoại cả các chi tiết bên trong và bên ngoài của xe.
Đối với các loại xe máy điện dùng pin, do pin và động cơ được đặt an toàn bên trong khung nhựa nên có thể tránh được nước vào, tiếp xúc với động cơ. Tuy nhiên với xe sử dụng ắc quy gắn bên ngoài thì nên tránh di chuyển khi trời đang mưa vì có thể gây chập điện.
Theo trang Scootersight, người dùng nên đảm bảo đã che chắn kỹ lưỡng cho xe điện mỗi khi ra ngoài. Tốt nhất, lớp bảo vệ này nên được làm chống nước, có thể bảo vệ xe khỏi mưa và hơi nước. Người dùng cũng cần đảm bảo lớp bảo vệ này được làm bằng vật liệu chất lượng cao để bảo vệ chiếc xe.
Đi xe dưới trời mưa không chỉ có nguy cơ làm hỏng xe, mà còn thiếu an toàn khi mưa to, tầm nhìn hạn chế, phản xạ không nhanh nhạy bằng điều kiện bình thường.Thử ngâm nước, xe Vinfast liệu đã an toàn?
Tại buổi ra mắt chiếc xe điện Vinfast Klara, Vinfast đã ngâm chiếc xe của mình trong thời gian 30 phút khi động cơ và đèn vẫn bật, sau đó cho xe di chuyển lại bình thường mà không gặp vấn đề gì. Để làm được điều này, thiết kế của xe phải đảm bảo dàn nhựa bọc kín khít pin và động cơ, không có khe hở để nước vào.
Dù vậy, thử nghiệm trên chỉ cho thấy xe an toàn khi bị ngâm trong nước, không di chuyển nhiều. Nếu mực nước ngập sâu, xe di chuyển liên tục sẽ tạo sóng và nước có thể tràn vào những khe hở trên xe, từ đó dẫn tới nguy cơ thiếu an toàn. Ngoài ra, ngập nước trong thời gian dài có thể gây ra hiện tượng ẩm, hấp hơi nước, ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.
Theo eBikingnow, đối với các sản phẩm điện, điện tử có vỏ bọc cơ khí, có một tiêu chuẩn kháng nước được gọi là IP. Đơn vị thứ 2 của chỉ số IP chỉ mức độ kháng nước của sản phẩm, dao động từ 0 đến 8 là mức cao nhất. Chẳng hạn, iPhone 7 của Apple đạt chuẩn kháng nước IP67, tức là có thể ngâm nước ở độ sâu 1m trong 30 phút.
Tuy nhiên, trên xe điện, mọi chuyện phức tạp hơn nhiều so với điện thoại. Xe điện có rất nhiều chi tiết, mức độ chịu nước của các chi tiết này khác nhau. Khả năng bảo vệ của lớp vỏ bên ngoài của xe điện cũng là dấu hỏi lớn, so với việc bọc các gioăng cao su bên dưới lớp vỏ điện thoại để đảm bảo khả năng chống nước.
Do đó, nhiều hãng chọn cách không công bố chuẩn kháng nước trên các mẫu xe của mình. Tại lễ ra mắt xe Klara, Vinfast cho biết mẫu xe của họ đạt chuẩn kháng nước IP57.
Ngoài ra, người dùng nên biết rằng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì việc di chuyển bằng xe điện hay xe máy cũng đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trời mưa to khiến người lái xe bị hạn chế về tầm nhìn, lại có thêm áo mưa nên khả năng phản xạ cũng giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, đường trơn khiến phanh bị giảm tác dụng, khoảng cách phanh dài và dễ trượt, do vậy di chuyển cần thận trọng hơn.
Có thể thấy xe điện cũng giống xe chạy động cơ nhiên liệu, đều được nhà sản xuất tính toán để có thể di chuyển khi trời mưa, điều kiện không thuận lợi. Tuy nhiên, không loại xe nào có thể miễn nhiễm với nước, nhất là khi di chuyển trong trời mưa.
Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét