Bún Đậu Mắm Tôm Đất Hà Thành

Một chiếc bếp than phần phật lửa reo. Một chảo dầu rán nổ lách tách. Những miếng đậu phụ phồng lên mỡ màng. Vài lát bún óng mượt. Bát mắm tôm dậy mùi đặc trưng ... Đó là chính là bún đậu mắm tôm đất Hà Thành, một món ngon rất được ưa chuộng trong khẩu vị người Hà Nội.

Bún đậu ngõ Phất Lộc

Cách hồ Hoàn Kiếm chừng vài trăm mét về phía phố Hàng Mắm là ngõ Phất Lộc - một địa điểm ẩm thực nổi tiếng của món đặc sản bình dân này. Ngõ nằm khá kín đáo trong một khuôn viên rộng lớn của trung tâm Hà Nội nhưng luôn tấp nập với những thực khách đủ mọi thành phần. Nếu bạn lần đầu đến Hà Nội, để tìm được đến đây cũng phải mất chút thời gian. Điều đó cũng là một nét đặc trưng trong cách ăn của người Hà Nội - nếu đã là món ngon, dù là "hang cùng ngõ hẻm" vẫn quyết phải tìm đến thưởng thức cho bằng được.

Ở ngõ Phất Lộc, có khá nhiều quán hàng bún đậu mắm tôm. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về mỗi quán nhưng đều thống nhất rằng, ngõ Phất Lộc xứng đáng được coi là nơi tìm đến nếu bạn muốn thưởng thức món ăn này.

Các quán hàng ở đây được bài trí khá đơn giản. Chỉ với vài chiếc bàn ăn, dăm chiếc ghế nhựa nhưng đã cho ta cảm giác quây quần, ấm cúng.
Chọn cho mình một chỗ ngồi, việc đầu tiên là bạn hãy cảm nhận không khí tại đây. Ngắm nhìn chị chủ hàng mặt đỏ hồng vì lửa bếp, lúc thoắt đảo những bìa đậu đang reo trong chảo, thoắt lại lách cách cắt bún với những động tác vô cùng thuần thục. Chỉ một thoáng thôi, món ăn mà bạn đang khao khát thưởng thức sẽ được bày ra: chiếc bát nhỏ mắm tôm được đánh bông, đĩa bún trắng được cắt thành từng miếng nhỏ, đĩa ớt tươi đỏ thắm, đĩa rau sống xanh mát ... Tất cả dường như đều tác động lên mọi giác quan của bạn, làm cho bạn cảm thấy chợt thấy đói cồn cào mặc dù mới dùng bữa.
Nếu thoạt nhìn, ta sẽ có cảm giác mọi món ăn thật đơn giản, có thể dễ dàng làm ra. Nhưng để nổi tiếng đến thế, các chủ quán hàng bún đậu ở Phất Lộc đều phải chọn lọc nguyên liệu rất kĩ cũng như có những bí quyết pha chế riêng.

Trước hết là bún phải là bún con, được lấy từ làng bún cổ truyền Phú Đô. Bún Phú Đô nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, không chua và ăn có vị ngọt mát.

Rau kinh giới phải là chọn những thân rau đến độ, dài chừng khoảng một gang tay, nhặt lấy ngọn và những lá bánh tẻ mới có độ thơm và không đắng. Đĩa rau thường kèm theo những lát dưa chuột nếp thái lát.

Chả cốm cũng được làm từ cốm bánh tẻ, thơm và mềm, nếu thật chọn lọc phải là cốm Vòng loại hai.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là bát mắm tôm. Mắm tôm phải là mắm tôm chắt Thanh Hóa, ánh sắc xanh. Khi vắt chanh và đánh tan, nổi lên vạt bông ánh tím mới là đạt yêu cầu. Thứ mắm tôm loại hai màu đen mà dùng thì coi như hỏng cả thương hiệu quán.
Chọn lựa kì công, một món ăn đơn giản mà mang trong mình những tinh túy của mỗi vùng miền... Nhưng nếu chỉ thế, vẫn chưa đủ làm nên món bún đậu mắm tôm đúng nghĩa.

Cái hay, cái giỏi lại nằm ở bí quyết pha chế. Bát mắm tôm thơm dậy mùi khiêu khích khứu giác, đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, béo hẳn phải có sự gia giảm công phu. Chị chủ hàng khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của từng món ăn, dường như cảm thấy tìm được người tri kỉ, thuận miệng kể từng xuất xứ, lại tiện miệng nói rằng: "Mắm pha ngon phải có rượu nếp cái hoa vàng ..." Ý chừng đến đó, dường như e ngại lộ ra bí quyết làm nghề, chị khéo léo kể sang câu chuyện khác.
Chuyện kể rằng, quán chị đã từng được tiếp mội danh ca trong Sài Gòn tới lưu diễn tại Hà Nội. Cô tới đây với một số fan hâm mộ và thưởng thức món ăn tại quán của chị như một thực khách bình dân. Sau đó, chị còn được kể lại là cô đã tâm sự trên báo chí về món ngon tại quán chị như một lời cảm ơn vì cảm giác nghỉ ngơi, giảm áp lực công việc. Kể đến đó, gương mặt chị không dấu nổi vẻ tự hào...

Ở Hà Nội, bùn đậu không chỉ có ở ngõ Phất Lộc. Bạn có thể tìm thấy món ăn dân dã này ở đường Vũ Ngọc Phan, đường Nguyễn Quý Đức, ngõ cạnh trường Đại học Văn hóa trên Đê La Thành ... đều là các quán ăn ngon. Nhưng với người Hà Nội, bún đậu mắm tôm Phất Lộc vẫn là nơi tìm đến, và đã mặc nhiên trở thành một địa chỉ ẩm thực có trong cẩm nang du lịch của nhiều người tới đây.
Theo SimpleVietnam
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét