Không rõ nguồn gốc từ địa phương nào nhưng nem tai đã trở thành món ăn quen thuộc và gần gũi với những người sành ăn của am thuc Hà Thành.
Ai đó nói rằng, món nem tai có xuất xứ từ vùng đất Nam Định, được du nhập vào Hà Nội bởi một người con gái lấy chồng ở Ước Lễ - Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây). Với đôi bàn tay khéo léo, người con gái ấy đã kết hợp món nem tai gia truyền với chả giò và nem chua – hai đặc sản nổi tiếng của làng Ước Lễ để tạo nên một món nem mới. Món ăn lạ miệng, thơm ngon với sức hấp dẫn chinh phục cả những người Tràng An sành ăn nhất. Bởi vậy, sẽ là không quá khi nói rằng Hà Nội tự hào có món nem tai đặc sản.
Nem tai được liệt kê vào các món nem bởi cách ăn theo dạng cuốn. Một chiếc nem ngon và đẹp mắt là được cuốn bên ngoài lớp bánh đa tráng mỏng, bên trong có tai lợn thái nhỏ trộn đều với thính và cuốn kèm rau ghém. Ngoài ra, bạn có thể ăn kèm với sung muối, khế chua hay một lát giò lụa hoặc nem chua, như vậy món nem sẽ có vị đậm đà hơn rất nhiều.
Vị thơm và bùi của thính rang trộn tai giòn sần sựt, vị chát của lá sung, cay tê tê của lá húng và hăng nồng của lá đinh lăng, chút đăng đắng của lá chanh thái chỉ… chấm ngập trong bát nước mắm dấm chua ngọt sẽ tạo những ấn tượng thú vị khi bạn thưởng thức món ăn đặc biệt này. Cứ cuốn rồi lại chấm, bạn sẽ ăn được nhiều hơn mình tưởng mà không cảm thấy ngấy. Ăn xong rùi lại thòm thèm ăn tiếp nhưng phải bấm bụng chờ dịp sau vì lỡ ăn quá no rồi.
Cách ăn đơn giản nhưng làm nem tai lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất cẩn thận. Những chiếc tai lợn được chọn phải là tai dày dặn, to bản nhưng ít thịt diềm. Có như vậy miếng tai mới giòn mà không quá nhiều mỡ. Tai sau khi được làm sạch, ngâm trong dung dịch gấm, gừng, muối cho trắng và hết mùi hôi sẽ được đem hấp cách thủy để tai chín mà vẫn đảm bảo vị giòn, ngọt. Sau khi tai được hấp chín, đem thái cho thật mỏng rồi trộn đều với thính rang làm từ bột đỗ xanh, đỗ tương, gạo nếp, gạo tẻ và một số gia vị khác cùng lá chanh thái chỉ và ớt. Khi thái tai lợn cũng phải đảm bảo độ vừa phải, thái quá dày sẽ làm miếng tai không giòn mà lại mất vị ngon.
Món nem nói chung cũng như nem tai nói riêng là những món ăn mang đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Một trong những đặc trưng đó mang tính tổng hợp rất rõ rệt. Món ăn là sự kết hợp của các nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ với nhau tạo nên sự hài hòa. Nem tai nhất nhất là ăn cùng với nhiều loại rau khác nhau, kèm theo một bát nước chấm với đầy đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay.
Nghệ thuật ẩm thực của người Việt không chỉ tổng hợp ở cách kết hợp các món ăn, các nguyên liệu chế biến mà còn thể hiện ở việc ăn chung mâm và cùng một nồi cơm. Với món nem tai cũng vậy, tất cả các nguyên liệu đều bày biện chung trên một mâm hay đĩa to để mọi người cùng ăn. Vì vậy, nếu chỉ ăn riêng tai trộn thính thì chắc chắn đó không phải là cách ăn của món đặc sản này. Và cũng hiếm thấy ai ăn món này lại ngồi ăn một mình. Tụ tập thành nhóm, vừa cuốn vừa chấm rồi lại chuyện trò rôm rả trong không khí thân mật, ấm cúng, đó mới là hình ảnh quen thuộc khi thưởng thức món nem tai.
Nem tai được coi là món ăn chơi cho nên thời điểm quán nem tai đông khách nhất là vào buổi chiều. Vì vậy, cũng có cửa hàng chỉ chọn thời điểm này mới mở hàng. Ở Hà Nội, món nem tai nức tiếng phải kể đến quán bà Hồng - 37 Hàng Thùng. Đây là một trong những địa chỉ được nhiều người biết đến. Bàn tay khéo léo, cẩn thận và tỉ mỉ với tâm huyết dành cho món nem tai gia truyền của bà đã chinh phục cả những thực khách kĩ tính nhất. Đó cũng chính là bí quyết để “thương hiệu” nem tai bà Hồng có một vị trí nhất định trong lòng người Tràng An, với niềm tự hào về món ăn chơi đặc sản Hà thành.
Theo Monngonhanoi
Bài viết cùng chủ đề:
- Thịt Heo Xào Mặn
- Sườn hầm hạt sen cà rốt
- Sườn Heo Nướng Mật Ong
- Thịt heo xào kim chi
- Bánh tráng cuốn thịt heo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét