Ca mang thai hộ đầu tiên tại TP.HCM đã được bệnh viện Từ Dũ chấp nhận. Người được phép nhờ em họ mang thai hộ là một nữ Việt kiều 44 tuổi, đã nhiều lần chữa vô sinh nhưng thất bại.
Khi pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ, người phụ nữ này về nước làm hồ sơ thủ tục nhờ người em họ mang thai giúp. Người mang thai hộ đã có gia đình và hai con, sinh sống tại TP HCM.
Hiện bệnh viện vừa tiến hành cấy phôi vào tử cung cho trường hợp mang thai hộ đầu tiên tại TP HCM, Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết. Khoảng hai tuần nữa sẽ biết kết quả người mang thai hộ có giữ thai được hay không.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, sau khi nghị định số 10 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực, Bệnh viện Từ Dũ đã thành lập hội đồng khoa học kỹ thuật, thiết lập những quy trình cụ thể để các bác sĩ hiếm muộn đủ cơ sở tư vấn sàng lọc và tiến hành các thủ tục cho những trường hợp mang thai hộ. Khá nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn đến bệnh viện tư vấn nhưng hiện mới chỉ có một trường hợp đủ điều kiện tiến hành.
Những trường hợp được chỉ định bao gồm phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi như suy tim, suy gan. Người sảy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Luật quy định người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần.
Hiện cả nước có 3 cơ sở đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bao gồm bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phụ sản Trung ương Huế và Phụ sản Từ Dũ TP HCM.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét